Từ 7h35, thí sinh làm bài thi môn ngữ văn, thời gian 120 phút. Buổi chiều từ 14h30 thí sinh làm bài thi môn toán, thời gian 90 phút.
Thí sinh đăng ký dự thi tăng
Ngay từ sáng sớm, nhiều thí sinh đã có mặt tại các điểm thi. Các em mang theo vật dụng, giấy báo thi và bài vở, tranh thủ xem lại trước khi thi môn đầu tiên.
Nguyễn Quang Vũ, thí sinh tại điểm thi trường Lương Thế Vinh cho biết, năm nay em có nguyện vọng xét tuyển vào Trường Đại học Dược Hà Nội. Bên cạnh đó em cũng có nguyện vọng vào Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Ngoại thương. Em không đặt quá nặng phải thi điểm cao và quan trọng sẽ cố gắng hết sức.
Mang tâm thế thoải mái đến trường thi, Trần Nhật Minh, học sinh Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ cũng cho biết, em chỉ cần đạt điểm điều kiện. Minh đã trúng tuyển vào Đại học Ngoại thương Hà Nội nhờ điểm SAT 1450 kết hợp chứng chỉ IELTS 7.5.

Sáng nay, thí sinh thi tốt nghiệp THPT môn đầu tiên (Ảnh: Mạnh Quân).
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay có hơn 1 triệu thí sinh đăng ký, tăng hơn 45.000 so với năm 2023. Trong đó, thí sinh tự do có 46.978, chiếm 4,38%.
Toàn quốc bố trí 2.323 điểm thi, tăng 51 điểm so với năm ngoái.
Hà Nội tiếp tục là địa phương có số thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT đông nhất với 109.078 thí sinh, gấp 34 lần Bắc Kạn.
4 vị trí tiếp theo là TPHCM (90.062), Thanh Hóa (38.775), Nghệ An (37.044 ) và Đồng Nai (34.088).
Tính đến 17h15 chiều 26/6, hơn 1 triệu thí sinh đến làm thủ tục dự thi, đạt tỷ lệ 98,96%.
Tổng số thí sinh không đến làm thủ tục dự thi chiều 26/6 hơn 11.000 em. Một số thí sinh chưa kịp đến, sẽ tiếp tục làm thủ tục vào đầu buổi sáng nay.
Phòng chống gian lận thi cử bằng thiết bị công nghệ cao
Trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 cho biết, một trong những vấn đề được nhắc tới nhiều trong những năm qua là phòng chống gian lận thi cử, nhất là thiết bị công nghệ cao.
Thứ trưởng cho rằng, trong nhiều năm qua, việc phòng chống gian lận thi cử bằng thiết bị công nghệ cao đã được Ban Chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT các cấp coi là một trong những việc quan trọng phải được thực hiện kỹ từ giai đoạn chuẩn bị. Trong đó, vai trò phối hợp tích cực của lực lượng công an đã phát huy rất hiệu quả.

Bộ Công an phối hợp với ngành giáo dục phòng chống gian lận thi bằng công nghệ cao (Ảnh: Hải Long).
Để có thể phát hiện, ngăn chặn thiết bị gian lận thi cử, Bộ GD&ĐT đã phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ Công an tập huấn cho tất cả các cán bộ làm thi.
Tiếp đó, Công an các tỉnh/thành phố tiếp tục tập huấn về nhận diện các thiết bị công nghệ cao và nguy cơ thí sinh có thể sử dụng cho đội ngũ cán bộ giáo viên làm công tác thi tại các địa phương.
"Chúng tôi xác định lấy phòng ngừa, nhận diện, ngăn chặn là chính. Trong đó, tiếp tục đề cao công tác con người. Dù hiện nay các thiết bị công nghệ cao với mục đích gian lận có xuất hiện tràn lan như thế nào đi nữa thì quan trọng nhất vẫn là lựa chọn con người.
Bộ Công an và Công an 63 tỉnh/thành phố đang phối hợp chặt chẽ với ngành Giáo dục để làm tốt công tác phòng chống gian lận thi cử bằng thiết bị công nghệ cao trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay", Thứ trưởng nói.
Gửi lời chúc tới thí sinh trong ngày thi đầu tiên, Thứ trưởng cho hay, Chính phủ, Bộ GD&ĐT cùng các Bộ, ngành và các địa phương đã chuẩn bị các điều kiện tốt nhất cho các em yên tâm tham gia kỳ thi. Các em lưu ý thực hiện theo đúng quy chế thi để đạt kết quả như mong muốn.
Đối với các cán bộ, giáo viên làm nhiệm vụ tại kỳ thi năm nay, Thứ trưởng mong các thầy cô sẽ thực hiện đúng, đủ các nội dung đã được tập huấn, hướng dẫn để có kỳ thi an toàn, nghiêm túc, công bằng, thân thiện và nhân văn.