Ứng viên giáo sư duy nhất của ngành luật là PGS.TS Nguyễn Quốc Sửu, sinh năm 1973, quê ở xã Bắc Hồng, huyện Đông Anh, Hà Nội.
Ông Nguyễn Quốc Sửu nhận bằng đại học ngành luật học tại Đại học Quốc gia Hà Nội vào năm 2002. Đến năm 2011, ông nhận bằng tiến sĩ ngành luật cũng tại Đại học Quốc gia Hà Nội.
Năm 2015, TS Nguyễn Quốc Sửu được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh phó giáo sư.

PGS.TS Nguyễn Quốc Sửu - ứng viên giáo sư duy nhất ở ngành luật năm 2024 (Ảnh: Quochoi.vn).
Từ khi tốt nghiệp đến năm 2019 , ông Nguyễn Quốc Sửu làm việc tại Học viện Hành chính Quốc gia với các vị trí giảng viên, Trưởng bộ môn thanh tra, Phó trưởng khoa, Trưởng khoa khoa nhà nước và pháp luật.
Từ năm 2020 đến 2022, ông Sửu giữ chức vụ Phó hiệu trưởng Trường Đại học Nội Vụ Hà Nội.
Từ tháng 1/2023 đến nay, ông là Phó giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia.
Ba hướng nghiên cứu chính của PGS.TS Nguyễn Quốc Sửu gồm giáo dục pháp luật cho cán bộ, công chức; Phòng, chống tham nhũng trong hoạt động công vụ; Xây dựng pháp luật trong nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Đến nay ứng viên đã công bố 89 bài báo khoa học đăng trên tạp chí trong nước vào quốc tế. Trong 9 bài đăng ở tạp chí quốc tế có 3 bài là tác giả chính thuộc danh mục Scopus, 2 bài là tác giả chính thuộc WoS/ISI và 4 bài đăng trên tạp chí quốc tế không thuộc các danh mục trên.
PGS.TS Nguyễn Quốc Sửu đã hướng dẫn 4 nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ; hoàn thành 5 đề tài nghiên cứu khoa học từ cấp cơ sở trở lên; xuất bản 23 quyển sách với các vai trò chủ biên/đồng chủ biên, tác giả/đồng tác giả.
PGS.TS Nguyễn Quốc Sửu cũng là diễn giả với những bài chia sẻ sâu sắc về các chủ đề văn hóa trường học, chọn ngành chọn nghề.
Về hướng nghiệp, PGS.TS Nguyễn Quốc Sửu quan điểm thí sinh khi chọn nghề cần dựa trên 4 yếu tố sở thích, yêu cầu của ngành nghề, nhu cầu của xã hội đối với ngành nghề và năng lực của bản thân.
Tại hội nghị "Văn hóa công sở trong lĩnh vực giáo dục giai đoạn hiện nay" ở Bắc Giang gần đây, PGS.TS Nguyễn Quốc Sửu chia sẻ, văn hóa công sở trong trường học là việc thực hiện các chuẩn mực đạo đức, tác phong nghề nghiệp, ngôn từ giao tiếp trong mối quan hệ ứng xử giữa các thầy, cô giáo với nhau; thầy, cô giáo với phụ huynh và học sinh.
Mỗi trường học cần có quy định cụ thể về văn hóa ứng xử giữa giáo viên với giáo viên, giữa giáo viên với phụ huynh và học sinh.
PGS.TS Nguyễn Quốc Sửu nhấn mạnh, trong môi trường giáo dục hiện nay, văn hóa công sở được xem là nét đẹp của ngành sư phạm. Cùng với nâng cao tinh thần, thái độ làm việc, sẵn sàng nhận và nỗ lực hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, mỗi giáo viên phải thường xuyên tự học, bổ sung kiến thức, vốn sống.