Loài rắn có hoa văn sặc sỡ và đẹp mắt nhưng mang nọc độc chết người

9 tháng trước

Loài rắn sở hữu hoa văn sặc sỡ, đẹp mắt nhưng rất hiếm gặp

Loài rắn được đề cập ở trên là loài rắn lục Jerdon, còn được biết với tên gọi rắn lục phương Đông, rắn lục đốm… có tên khoa học Trimeresurus jerdonii. Đây là loài thuộc họ rắn lục.

Rắn lục Jerdon khi trưởng thành dài từ 0,8 đến 1m, trong đó cá thể cái có kích thước lớn hơn con đực. Loài rắn này có phần đầu to, phân biệt rõ so với cổ và thân. Đây là kiểu dáng đặc trưng của các loài rắn lục.

Loài rắn có hoa văn sặc sỡ và đẹp mắt nhưng mang nọc độc chết người - 1

Rắn lục Jerdon sở hữu lớp vảy nhiều màu sắc trên cơ thể (Ảnh: Animalia).

Rắn lục Jerdon nổi bật với lớp vảy có màu sắc sặc sỡ, xen kẽ giữa các vảy màu đen và xanh lục hoặc vàng nhạt. Màu sắc của rắn lục Jerdon khá giống với màu rêu trên đá, giúp loài rắn này ẩn mình hiệu quả trong môi trường tự nhiên.

Loài rắn có hoa văn sặc sỡ và đẹp mắt nhưng mang nọc độc chết người - 2

Cận cảnh những hoa văn trên cơ thể rắn lục Jerdon (Ảnh: ResearchGate).

Rắn lục Jerdon được phân bố kéo dài từ các quốc gia Nam Á sang Đông Nam Á, bao gồm Ấn Độ, Nepal, Myanmar, phía nam Trung Quốc và Việt Nam. Tại Việt Nam, loài rắn này phân bố tại các tỉnh thuộc vùng núi phía Bắc như Lào Cai, Sơn La, Lai Châu…

Loài rắn lục này sống trong những khu rừng ẩm và lạnh ở độ cao từ 1.400 đến 2.400m. Đôi khi, loài rắn này cũng được bắt gặp gần những khe suối, đồng cỏ hoặc bụi tre, đất canh tác ở trên núi cao… điều này khiến rắn lục Jerdon rất hiếm gặp ngoài tự nhiên.

Loài rắn có hoa văn sặc sỡ và đẹp mắt nhưng mang nọc độc chết người - 3

Một cá thể rắn lục Jerdon nằm trên cây cao tại Sapa, Lào Cai (Ảnh: SIFASV).

Rắn lục Jerdon săn mồi và hoạt động vào ban đêm. Thức ăn chính của loài rắn này là động vật gặm nhấm, chim, động vật lưỡng cư và các loài bò sát nhỏ khác… Loài rắn này săn mồi bằng cách ẩn nấp và phục kích con mồi khi đến gần vị trí của chúng.

Loài rắn có hoa văn sặc sỡ và đẹp mắt nhưng mang nọc độc chết người - 4

Cận cảnh đầu hình tam giác, phân biệt rõ với thân của rắn lục Jerdon (Ảnh: Phùng Mỹ Trung).

Phía trên mặt của loài rắn này có các hốc cảm biến nhiệt, một đặc điểm của loài rắn lục, cho phép chúng có thể phát hiện con mồi nhờ thân nhiệt, giúp săn mồi hiệu quả trong điều kiện không có ánh sáng.

Chính vì môi trường sống trên núi cao và hoạt động của rắn lục Jerdon chủ yếu vào ban đêm nên con người rất khó bắt gặp chúng ngoài tự nhiên.

Một cá thể rắn lục Jerdon tại Hà Giang (Video: TikTok).

Rắn lục Jerdon độc đến mức nào?

Có quan điểm cho rằng trong thế giới tự nhiên loài rắn nào mang vẻ ngoài với màu sắc càng đẹp, càng sặc sỡ thì lại càng nguy hiểm. Quan điểm này hoàn toàn đúng với loài rắn lục Jerdon.

Loài rắn có hoa văn sặc sỡ và đẹp mắt nhưng mang nọc độc chết người - 5

Rắn lục Jerdon sở hữu màu sắc đẹp, nhưng cùng với đó là nọc độc chết người (Ảnh: Markus Oulehla).

Rắn lục Jerdon sở hữu nọc độc máu nguy hiểm. Khi bị loài rắn này cắn trúng, nạn nhân sẽ bị đau đớn, phù nề vết thương, rối loạn đông máu khiến máu chảy liên tục… Nếu nạn nhân không được chăm sóc y tế kịp thời có thể dẫn đến hoại tử vết thương, thậm chí thiệt mạng.

Loài rắn có hoa văn sặc sỡ và đẹp mắt nhưng mang nọc độc chết người - 6

Rắn lục Jerdon sở hữu nọc độc máu, có thể khiến nạn nhân tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời (Ảnh: Wikipedia).

Nếu bị rắn lục Jerdon cắn trúng, cần lập tức đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất. Giữ nạn nhân nằm yên và giữ cố định phần cơ thể bị cắn, tránh vận động nhiều. Tuyệt đối không ga-rô vết cắn vì điều này sẽ dẫn đến tình trạng hoại tử vết thương.

Tuy nhiên, rắn lục Jerdon sống ở trên núi cao, là khu vực khó tiếp cận điều kiện y tế kịp thời và đầy đủ, do vậy, điều quan trọng nhất vẫn là "phòng bệnh hơn chữa bệnh", nghĩa là mọi người nên tìm cách tránh xa những khu vực có khả năng tồn tại rắn độc, không tìm cách bắt hoặc tấn công rắn để tránh trường hợp bị con vật tấn công.

Loài rắn có hoa văn sặc sỡ và đẹp mắt nhưng mang nọc độc chết người - 7

Màu sắc và hoa văn của loài rắn lục Jerdon giúp chúng ngụy trang rất tốt (Ảnh: Phước Lợi).

Trong trường hợp đi leo núi hoặc vào rừng, mọi người cần mang giày cao cổ và tránh bước xuyên qua các bụi cây. Nếu phải di chuyển qua những bụi cây rậm hoặc những đống lá khô, hãy sử dụng gậy dài để kiểm tra những vị trí này trước khi di chuyển qua, tránh việc bị rắn ẩn nấp trong đó tấn công.

Khi cần tìm vị trí để nghỉ ngơi trong lúc leo núi, tuyệt đối không ngồi lên những đống lá khô, tránh xa những khúc cây mục… vì đây có khả năng là những vị trí rắn đang ẩn náu. Để đảm bảo an toàn, hãy ngồi lên những tảng đá và nền đất đã được gạt sạch lá khô.

Xem nguồn bài viết