Bất tử Vị Xuyên

9 tháng trước

Không ai muốn chiến tranh

... "Ngày 7.1.1987, đối phương sử dụng lực lượng mở đợt tấn công lớn chưa từng có từ sau năm 1979, hòng đẩy lui ta khỏi khu vực phía bắc suối Thanh Thủy. Tuy nhiên, âm mưu này bị ta đánh bại và họ bị thiệt hại nặng.

Sau trận 7.1.1987, tình hình chiến trường trở nên yên ắng và có dấu hiệu: binh sĩ đối phương ở trận địa đối diện muốn hòa bình, không muốn đánh nhau.

Bất tử Vị Xuyên- Ảnh 17.

Đại tá Bùi Thuận Hóa

M.T.H

Thủ trưởng Tổng cục Chính trị giao Cục Tuyên truyền đặc biệt (nay là Cục Dân vận) cử 1 tổ công tác trực tiếp lên Vị Xuyên nghiên cứu, nắm tình hình. Cục trưởng Đặng Văn Duy giao trung tá Hoàng Duy Hòa làm tổ trưởng. Thành viên gồm thiếu tá Khuất Duy Đạo và 2 đại úy Bùi Thuận Hóa, Bùi Hồng Việt.

Thiết bị mang theo, ngoài quân tư trang cá nhân, súng ngắn, còn có máy ghi âm loại "cục gạch", 1 máy ảnh Kiev cũ, mấy cuốn băng ghi nhạc disco và ca khúc VN, cùng mấy bao thuốc lá, bánh kẹo Hải Châu...

Cuối tháng 7.1987, tổ công tác có mặt tại Sở Chỉ huy Sư đoàn 356 và sau đó chia làm 2 nhóm. Tôi và anh Đạo được trinh sát dẫn lên khu H (điểm cao 685), ghi nhận sự tiếp xúc của cán bộ chiến sĩ Đại đội 3, Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 153, Sư đoàn 356 (Quân khu 2) với binh lính Trung Quốc ở công sự đối diện.

Sáng sớm hôm ấy, chúng tôi bò lên chốt H3 để bố trí anh em chủ động gọi lính bên kia ra tiếp xúc. Anh em chọn vị trí cho tôi nằm, cách chỗ 2 bên gặp nhau khoảng 4 m, ngồi che cho tôi chụp hình (nếu phát hiện có người lạ, lính bên kia chui vào hầm ngay). Rạng sáng, thấy bộ đội ta hô "1, 2, 3, 4" ra thể dục; bên kia cũng hô "i, ơ, xan, xư" rất rôm rả. Thậm chí, lính họ còn gọi tên bộ đội ta.

Theo kế hoạch, anh em ta mang bao thuốc lá, gói kẹo Hải Châu cùng băng nhạc Boney M. Bên kia thì xách đài cassette ra. Và một cảnh tượng có lẽ không bao giờ có trong bất cứ cuộc chiến tranh nào, diễn ra ngay trước mắt tôi: 5 - 6 gã lính chiến của cả 2 bên, cùng cởi trần, mặc quần đùi, râu tóc dài thượt, miệng phì phèo thuốc lá, uốn mình nhảy giật theo nhịp trống của ban nhạc disco Boney M. đang rất thịnh hành thời điểm ấy.

Tôi run lên do xúc động, bởi một cảm giác khó tả, cứ giơ máy ảnh lên giữa khe hở của 2 chiến sĩ ngồi chắn trước mặt, bấm, lên phim, lại bấm...

Cuộc tiếp xúc diễn ra khoảng 20 phút thì mặt trời lên, sương mù tan dần. Lính hai bên bắt tay chào nhau. Bộ đội ta tặng họ băng nhạc, thuốc lá, kẹo kèm theo truyền đơn. Họ tặng ta thịt hộp và mấy cuốn truyện tranh Tam Quốc...

Về đến Hà Nội, tôi hồi hộp mang cuộn phim xuống bộ phận làm ảnh của Tổng cục Chính trị để in tráng. Khi những hình ảnh lờ mờ của cuộc tiếp xúc và phong cảnh "lò vôi thế kỷ" hiện ra, tôi mới thở phào nhẹ nhõm.

Kết quả chuyến đi được báo cáo lên Tổng cục Chính trị và sang Bộ. Rồi chúng tôi được Văn phòng Bộ thông báo: "Đại tướng - Bộ trưởng Lê Đức Anh sẽ sang Cục Tuyên truyền đặc biệt, nghe tổ công tác báo cáo trực tiếp".

Một ngày đầu tháng 8.1987, tại phòng họp của Cục, sau khi nghe chúng tôi báo cáo và nhìn những hình ảnh, hiện vật mang về, Bộ trưởng Lê Đức Anh trầm ngâm rồi nói: "Tôi đã biết đây là cuộc chiến tranh không bên nào muốn tiến hành mà. Tới đây sẽ có những quyết định quan trọng". Bộ trưởng cũng chỉ đạo: "Cần duy trì và mở rộng việc tiếp xúc, gặp gỡ binh sĩ đối phương trên các hướng phòng ngự. Các hướng khác có thể thí điểm vài nơi tiếp xúc với binh sĩ và nhân dân đối phương để làm công tác tuyên truyền đặc biệt. Nhưng cần có sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của cấp ủy và người chỉ huy"...

Sau đó, ngày 27.8.1987, Cục Tuyên truyền đặc biệt ra Hướng dẫn việc thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền đặc biệt trong tiếp xúc ở mặt trận Vị Xuyên, Hà Tuyên..., mở ra giai đoạn mới: tiến hành tiếp xúc, vận động binh sĩ đối phương tại các trận địa tiền duyên để chống lấn chiếm, giữ đất"...

Đại tá Bùi Thuận Hóa, nguyên Trưởng phòng Tuyên truyền đặc biệt, Cục Dân vận, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân VN

Xem nguồn bài viết